30 năm kỷ niệm chuyện làm báo Diễn Đàn Praha
11.9.2020


Kỷ niệm chuyến đi thăm Tạp chí Diễn Đàn


Mùa Thu năm 1990, người Việt khắp thế giới chuyền nhau đọc những tiếng nói đầu tiên của các sinh viên và người lao động Việt Nam sống ở Đông Âu. Bạn bè đã gửi cho tôi bản chụp lại những tờ Điểm Tin Báo Chí ở Plzeň và Tạp chí Diễn Đàn ở Praha. Nhờ thế tôi ở Montréal, Canada, liên lạc được với các bạn mới, biết qua những cái tên trên báo, như Trần Ngọc Tuấn, Lê Thanh Nhàn, Cù Lần hoặc những tên tắt như T.S., K.K., N.N. K.V.! Điểm Tin Báo Chí ở Plzeň tập hợp nhiều tin tức hơn, Tạp chí Diễn Đàn, ký tên Nhóm Biên Tập Praha, nhiều bài thời sự có chiều sâu hơn. Chúng tôi vui mừng khi thấy anh em dịch từ những tờ báo quốc tế như Newsweek, Economost, Independent, Time, Libération, Respekt, mở những cánh cửa mới cho đồng bào ở Đông Âu nhìn ra thế giới. Những bài thơ trên báo, truyện ngắn, phóng sự, tùy bút đọc cũng nức lòng. Những tranh hí họa của Cù Lần rất dí dỏm và sâu sắc. Nhờ Điểm Tin Báo Chí và Tạp chí Diễn Đàn tôi được thấy phong trào thanh niên, sinh viên ở Tiệp Khắc đang lên. Và biết thêm phong trào “Chống Phủi” đầy khó khăn, các bạn sinh viên đã lên cả đài truyền hình kêu gọi tổng thống Tiệp Khắc, cùng bảo vệ người Việt tha hương. Một mục thú vị nhất là những trang để cho độc giả gửi bài về, chấp nhận đăng mọi ý kiến bất đồng. Chúng tôi rất khâm phục các bạn khi đọc “8 nguyên tắc đối thoại!” Nguyên tắc số 1 viết, “Người đối lập không phải là kẻ thù …” Nguyên tắc số 8: “Tất cả mọi người đều có quyền được phát biểu giống nhau.” Đây là một hướng đi rất mới lạ đối với đồng bào mình sống ở miền Bắc, và cả miền Nam, sau 1975. Chúng tôi hy vọng sẽ đến ngày các quy tắc sống tự do dân chủ này sẽ lan truyền về trong nước. Tìm trên báo Diễn Đàn chỉ thấy “Do tập thể sinh viên và nghiên cứu sinh Hóa UK, Y, Điện CVUT, Xây Dựng CVUT thực hiện.” Với một “Địa chỉ Liên lạc Lê Thanh Nhàn … 11000 PRAHA 1.” Đó là mối dây liên lạc để làm một chuyến đi thăm các bạn. Cuối năm 1990, chúng tôi viết thư hẹn trước sẽ đi thăm Tạp chí Diễn Đàn. Còn hứa hẹn rằng nhà tôi sẽ nấu mời các cô, chú một bữa ăn Việt Nam, đoán rằng các bạn ở xa quê hương lâu ngày không có cơm Việt! Chúng tôi ghé Paris, nước Pháp, đi “chợ Tàu” mua những thứ cần để nấu phở hay bún bò. Khi tới nơi, Quyên cùng một số bạn vào thẳng trong bếp của cư xá sinh viên, còn tôi không được rảnh, ngồi nói chuyện với các bạn trẻ khác. Thời gian đó, tôi hầu như không biết gì về cuộc sống thật của người Việt ở miền Bắc. Tôi đã gặp các bạn vượt biển tới Canada, Pháp và Mỹ, nên biết miền Nam sau năm 1975 thay đổi như thế nào. Nhưng chỉ mong gặp các bạn từ miền Bắc qua Đông Âu du học hoặc làm việc, để nghe kể những người dân bình thường sống như thế nào. Tới cư xá sinh viên, tôi đã hỏi chuyện từng bạn trẻ, và ngồi ghi chép câu chuyện cuộc đời của họ, từ đời sống trong làng, trong xóm, thời kỳ sơ tán tránh bom Mỹ, đến lúc hòa bình, tại sao họ đã được chọn đưa đi du học, qua xứ người gặp những khó khăn nào, vân vân. Tình cờ, bữa đó tôi gặp vợ chồng Hương và Huân, rồi nhận ra họ hàng! Hương là cháu ngoại Ông Cử Phách, là con ông bác ruột của tôi, đã qua đời. Mấy năm sau Huân đã sang dậy ở Đại học Alabama bên Mỹ. Đến lúc cùng vào phòng ăn, mới thấy chuyện bất ngờ: Không có tô và không có đũa. Tôi nhớ bữa đó ăn phở, nhưng bây giờ Quyên lại nhớ là đã nấu bún bò. Mọi người phải ăn bằng những cái đĩa lớn mà sinh viên Tiệp dùng để ăn súp. Ba mươi năm sau, Nguyễn Quốc Vũ mới viết thư nhắc tới một chuyện tôi đã quên bẵng, kể rằng sau khi chúng tôi về Paris, Quyên đã mua và gửi qua Praha tặng các bạn nhóm Diễn Đàn một thùng đựng các loại tô để ăn phở, ăn bún. Và những đôi đũa. Từ Praha, chúng tôi đáp xe lửa đi thăm nhóm Điểm Tin Báo Chí ở Plzeň. Tới Plzeň tất nhiên được anh chị em mới uống rượu bia Pilsen, một sản phẩm chế biến theo phương pháp cổ truyền đặc biệt của vùng này, bắt đầu từ thế kỷ 14. Tại Plzeň, được nghe Trần Ngọc Tuấn kể chuyện cuộc đời trong quân ngũ, cũng là lần đầu tiên tôi được nghe chuyện một anh bộ đội. Sau chuyến đi đầu tiên năm 1990, tôi còn đến thăm Praha thêm bốn, năm lần nữa, mỗi lần là một cuộc khám phá, kết thân và lưu giữ những kỷ niệm êm đềm. Xin kể mấy câu chuyện vui nho nhỏ trong chuyến đi Praha lần đầu, để chia sẻ cùng các bạn.

Người Tiệp Khắc tử tế

Bữa mới tới Praha, các bạn Diễn Đàn đưa chúng tôi từ ga xe lửa đến một khách sạn, dặn dò sáng hôm sau đưa giấy cho taxi coi để biết địa chỉ cư xá sinh viên sẽ tới. Các bạn cho biết cả giá một chuyến taxi khoảng bao nhiêu tiền. Hôm sau, chiếc taxi đưa chúng tôi đi có đồng hồ, chạy đúng số tiền đó. Đêm, anh em giúp kêu taxi đưa vợ chồng tôi về khách sạn. Anh tài xế chuyến xe tối hôm đó lại đi lạc đường. Anh loay hoay coi đi coi lại tờ giấy biên địa chỉ. Đi một lúc lại nhìn thấy một con đường mình đã đi qua. Hồi đó người ta chưa dùng điện thoại di động, cũng chẳng có GPS để tìm bản đồ. Tôi sốt ruột nhìn cái đồng hồ tính tiền, nó cứ nhẩy, giá tăng lên đều đều không nghỉ. Có lúc tôi thấy con số gấp đôi giá chuyến xe tôi đã đi hồi sáng. Anh tài xế biết ý, anh nói một câu giải thích, bằng tiếng Tiệp, rồi tắt cái đồng hồ tính tiền cho nó ngưng chạy. Anh đi lạc đường thật, không phải bày trò mua đường để tăng giá chuyến xe. Đi mất chừng một giờ thì chúng tôi về đến khách sạn; buổi sáng đi chỉ mất mươi phút. Khi tôi móc túi tiền trả, anh tài xế ra hiệu cho tôi biết anh chỉ nhận đúng số tiền như giá chuyến xe buổi sáng. Tôi đưa hơn, bằng số tiền ghi trong đồng hồ taxi, anh nhất định lắc đầu. Phải nhét vào tay, giằng co một lúc anh mới nhận thêm một số tiền “típ.” Khi từ giã, chúng tôi nghiêng mình rất thấp để tỏ lòng kính trọng một con người lương thiện. Tôi chỉ vào ngực mình, nói Việt Nam! Việt Nam! Hy vọng anh giữ kỷ niệm tốt về một người Việt tử tế, biết tỏ lòng kính trọng anh.

Không quen hối lộ

Trước đó tôi chưa bao giờ đặt chân đến một nước cộng sản cũ, năm 1990 mới đi Berlin, trước thuộc Đông Đức, để xuống Tiệp Khắc. Khi xe lửa sắp tới biên giới, lính biên phòng người Tiệp đến hỏi passport hai vợ chồng tôi. Hai người cầm giấy tờ đi một hồi, trở lại, nói tiếng Anh, hỏi sao không có chiếu khán, visa. Tôi giải thích rằng mình đã hỏi tòa đại sứ Tiệp Khắc ở Ottawa, họ nói không cần visa. Hai người lại cầm hai tấm hộ chiếu đi, rồi trở lại, bảo rằng luật mới thay đổi. Mấy ngày trước, Canada bắt dân Tiệp Khắc phải có visa mới được nhập cảnh, thành ra chính phủ Tiệp Khắc trả đũa. Họ đưa lại giấy tờ cho chúng tôi, xe lửa vẫn chạy về phía biên giới. Nhưng một lát sau, hai người lính biên phòng trở lại, bảo chúng tôi đưa họ coi giấy tờ lần nữa. Đi một hồi rồi họ mang trả lại. Tôi hỏi chúng tôi có được phép qua biên giới không, họ lắc đầu. Tôi năn nỉ nói rằng mình đi khỏi Canada cả tuần lễ trước, không biết có lệnh mới. Nhưng họ vẫn lắc đầu. Chúng tôi mừng hụt thêm một lần nữa, khi hai người lính trở lại, bảo chúng tôi trao mấy tấm hộ chiếu cho họ. Họ mang đi, quay trở lại, trả giấy tờ, không nói gì cả. Hình như họ tới cầm mấy tấm hộ chiếu đem đi thêm lần nữa, tôi không nhớ hết. Tôi biết mình sẽ lỗi hẹn với anh em nhóm Diễn Đàn, không biết làm sao báo tin để họ khỏi đi đón ở nhà ga xe lửa phí công. Hồi đó chúng tôi không có điện thoại cầm tay. Chúng tôi phải xuống xe ở ga chót trước biên giới. Vào đó, chờ xe lửa trở lại Berlin, rồi ngày mai sẽ đến xin visa ở Sứ Quán Tiệp Khắc. Ở nhà ga nhỏ, làng Bad Sandau, tôi đến nhìn bảng thời biểu các chuyến xe. May mắn, chỉ trong vòng nửa giờ sẽ có xe lửa về Berlin. Nhưng quầy bán vé đã đóng cửa, nhà ga vắng hoe. Thấy một người đàn ông mới đến cũng đứng nhìn lên bảng giờ xe lửa chạy, tôi chào, làm quen. Cũng may, tôi có trong túi một cuốn tự điển tiếng Đức/Anh nhỏ xíu, mua ở Paris trước khi qua Đức. Vận dụng tất cả những câu tiếng Đức đã học thời trung học ở Goethe Institute, Sài Gòn mà sau 30 năm không dùng nên đã quên hết, pha chế thêm tiếng Anh, tôi kể cho anh người Đức biết lý do mình phải quay trở về Berlin để xin visa. Tôi nhờ anh giải thích với người kiểm soát vé trên xe lửa, coi có thể cho tôi về Berlin mà không cần mua vé hay không. Tôi có vé khứ hồi Berlin – Praha, nhưng không muốn dùng ngay vì mai mốt sẽ phải dùng khi quay về. Anh ấy giúp. Thế là tôi có một người bạn mới, một nhà văn. Một năm sau, tôi đã tới thăm anh mấy ngày ở làng Bad Sandau, trên đường từ Praha trở về Dresden. Anh đã đưa tôi đi thăm phong cảnh, ngồi thuyền trên sông Elbe, qua núi Königsberg, buổi chiều ngắm cảnh hàng cây thanh lương trà nở những chùm trái đỏ ối; học được thêm tên bằng tiếng Đức, Die Vogelbeere. Ngày hôm sau gặp các bạn nhóm Diễn Đàn, tôi kể chuyện mình bị kẹt vì không có visa. Mấy bạn lắc đầu, cười thương hai: Anh ngây thơ quá. Nếu như chúng em biết thì anh đâu có bị kẹt một ngày! Chúng nó đi tới đi lui bảo anh đưa hộ chiếu cho coi, là muốn hỏi “thủ tục đầu tiên!” Nếu anh kẹp mấy đô la vào trong cái passport thì xong rồi! Quả thật lúc đó tôi còn ngay thơ trong trắng quá, vì từ Việt Nam Cộng Hòa qua đến Canada, không bao giờ nghĩ đến việc hối lộ. Tôi chưa sống với “chủ nghĩa xã hội” bao giờ!

Làm việc lối quốc doanh

Khách sạn chúng tôi ngụ bao cả bữa ăn sáng trong tiền thuê phòng. Chúng tôi đã du lịch ở nhiều nước Âu châu nên cũng quen phong tục đó. Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi xuống phòng ăn. Ngạc nhiên, không thấy một người khách nào cả. Chắc mùa này không có du khách. Hay là dân ở đây ngủ trễ. Ngồi một hồi lâu, gọi vào “halo! halo!” mấy lần mới thấy một cô đi ra. Ra hiệu cần thực đơn, nói “menu” theo lối tiếng Anh, tiếng Pháp, dịch sang tiếng Đức. Và nói ngay “Cà phê” cũng bằng ba thứ tiếng. Cô quay vào, rồi mang cho cái thực đơn, có cả tiếng Anh. Tôi nhắc lại, “Cà phê!” “Cà phê!” mấy lần cho cô thấy tình trạng khẩn trương. Cô đi vào, một lát sau cô đi ra, mang cho chúng tôi mỗi người một cái muỗng, rồi lại đi vào. Chờ một lát nữa, cô lại đi ra mang cho mỗi người một cục đường gói trong giấy, rồi lại đi vào. Một lát sau cô đi ra trên tay cầm hai cái tách. Một lát nữa, đến lượt bình sữa. Cứ chờ như vậy, cả chục chuyến cô đi ra, đi vào, cô lần lượt mang ra cho chúng tôi cà phê, bánh mì, bơ, mứt, nhưng quên chưa cho cái gì để cắt bơ hay lấy mứt chét lên bánh mì. Lại chờ một lát nữa. Mỗi lần một lát nữa như thế kéo dài năm phút hay bẩy phút! Hỏi khi gặp anh em nhóm Diễn Đàn kể chuyện, mới được biết cái khách sạn đó vẫn còn thuộc loại doanh nghiệp nhà nước, nhiều quán chỉ còn hoạt động cầm chừng chờ giải tán. Phong cách làm việc ở các quán ăn, khách sạn quốc doanh vẫn không thay đổi mà còn tệ hơn trước. Năm 1989 tôi đã in cuốn “Đổi Mới Kinh Tế,” thuật lại các thay đổi trong kinh tế Hungary, Trung Quốc, và cả Liên xô, Ba Lan, ngay trong chế độ cộng sản. Tôi đã đọc nhiều tài liệu để so sánh cách quản lý các doanh nghiệp nhà nước khác với các công ty tư bản như thế nào’ và giải thích tại sao kinh tế quốc doanh thất bại. Cuốn sách ra đời trước khi Tường Berlin sụp đổ. Tôi tự an ủi, nhờ chuyến đi Praha một năm sau, ít nhất trong đời tôi cũng có được một kinh nghiệm về cách làm ăn quốc doanh nó ra sao.

***

Tôi kể mấy mẩu chuyện vui trên đây cho anh chị em Diễn Đàn nghe, vì sau 30 năm đời sống xứ Tiệp đã thay đổi tất cả rồi. Không còn các quán ăn quốc doanh. Lính biên phòng có khi sẽ nổi giận nếu mình tính đưa tiền hối lộ. Các bạn có thể cũng quên hết rồi, không mấy khi có dịp nhớ lại cuộc sống thời “tiền sử” nữa. Có một điều tôi tin không thay đổi, là tâm hồn con người Czech, họ vẫn giữ được nền nếp đạo lý như tôi đã thấy trong một anh tài xế taxi lương thiện. Tôi trở lại Tiệp mấy lần, trong lòng rất vui khi thấy anh em đã thành công trong cuộc sống mới. Có người mở mang xí nghiệp tin học và thành công. Có chú lấy vợ người Tiệp, hẹn sẽ đưa chúng tôi về thăm quê vợ, mùa Xuân vào rừng hái nấm. Chú đã làm chủ mấy quán bia ở Plzeň, ngay quê hương của bia Pilsen! Đến bây giờ tôi vẫn mong sẽ có dịp theo cô chú đi hái nấm trong rừng! Tôi nhớ Trần Hồng Hà nhất. Trần Hồng Hà làm thơ, dịch sách, viết rất hay, vẽ rất giỏi. Trong một chuyến thăm Praha sau này, Trần Hồng Hà đã đưa tôi đi thăm ngôi nhà của Antonin Dvořák, còn nhớ chiếc piano mầu trắng trong phòng khách nhà ông. Trần Hồng Hà hỏi thăm tôi có quen biết thi sĩ Trần Mộng Tú không. Tôi nói đùa, để anh nhờ chị Tú giới thiệu con gái của chị cho em làm quen. Khi nghe tin Trần Hồng Hà qua đời, tôi muốn khóc.Tôi đã không giữ lời hứa, chưa giới thiệu chị Tú với chú. Tôi xin hương linh Trần Hồng Hà tha lỗi cho tôi. Thành phố Praha, xứ Cộng Hòa Tiệp, Nhóm Diễn Đàn, tôi giữ những kỷ niệm êm đềm cho tới khi nhắm mắt. Lâu lâu nghe bài giao hưởng Má Vlast (Tổ Quốc Tôi) của Bedřich Smetana, lòng tôi lại bồi hồi nhớ các bạn cũ, Nhóm Diễn Đàn Praha, Nghe đoạn Smetana diễn tả dòng sông Vltava (Moldau) tôi lại tưởng tượng con sông râm rỉ tuôn qua các khe đá, các gốc cây, từ trên núi, trên rừng, chảy xuống đồng bằng, dào dạt, baola, đi qua thành phố Praha, chuyên chở tâm hồn của dân tộc Czech. Tôi đã thú nhận trong cuốn sách gần đây, Đứng Vững Ngàn Năm, rằng mỗi lần nghe Má Vlast, cũng như nghe Finlandia của Jean Sibelius, tôi cảm thấy mình rạo rực yêu nước Việt Nam hơn. Chúng ta vẫn yêu quý đất nước Việt Nam. Chúng ta gặp nhau vì tình yêu chung đó. Chúng ta đã cố gắng làm bổn phận với quê cha đất tổ. Và sẽ không bao giờ ngưng nghỉ.

Tháng 8 năm 2020
Đỗ Quý Toàn


Ghi chú:
Đỗ Quý Toàn, một trong những thân hữu gần gũi của Diễn Đàn. Ông viết dưới nhiều bút danh khác nhau như Đỗ Quý Toàn, Vương Hữu Bột, Ngô Nhân Dụng.
- Thời Diễn Đàn: Viết báo, làm thơ, viết văn, dạy đại học ở Canada. Chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21.
- Hiện nay: làm báo Người Việt với bút danh Ngô Nhân Dụng.

Lời giới thiệu
Lê Thanh Nhàn, chủ bút đầu tiên
Nguyễn Minh, một trong những người khởi xướng Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn