Lời cám ơn của Nhóm Văn Lang gửi tới các Nghị viện châu Âu và các nghị sĩ Cộng hòa Séc tại Nghị viện nhân quyết định của Nghị viện châu Âu ngày 15/11/2018 mang tên "Việt nam, đặc biệt là tù chính trị"
5.12.2018


Kính thưa Ngài Nghị sĩ Jan Zahradil – Báo cáo viên của Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề liên quan đến Hiệp định về tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA)

Kính thưa các Nghị sĩ Cộng hòa Séc tại Nghị viện Liên minh châu Âu,

Trước hết, nhóm Văn Lang chúng tôi xin gửi tới Nghị viện lời cám ơn vì quyết định của Nghị viện châu Âu ngày 15/11/2018 mang tên "Việt nam, đặc biệt là tù chính trị" trong đó, ngoài các điều khác, quyết định này đã kêu gọi EU theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt nam và cộng tác với các cơ quan và thành viên của tất cả các bên để cải thiện tình hình.

Định cư và làm việc tại Cộng hòa Séc, trong một môi trường mặc dù chưa là hoàn hảo, nhưng chính là thành quả của Cách mạng Nhung và là môi trường dân chủ, Nhóm Văn Lang chúng tôi càng tin tưởng hơn vào sự cần thiết phải tôn vinh và giữ gìn các giá trị dân chủ của nó trong cuộc sống thường ngày. Chính cuộc Cách mạng Nhung đã giúp chúng tôi có ý thức hơn về quyền được lên tiếng của mình, và chúng tôi đã thực hiện quyền đó thông qua lá thư ngỏ gửi đến tất cả các Ngài vào ngày 8/10/2018.

Cùng với những người dân Séc xuống đường trong ngày 17/11 - Ngày lễ kỷ niệm cuộc chiến đấu vì Tự do và dân chủ, chúng tôi càng thấm thía hơn sự cấp bách của việc cần phải luôn bảo vệ và đề cao nền dân chủ tự do, mà gốc rễ của nó là quyền tự do ngôn luận và quyền con người nói chung. Có thể thấy, cả tại Cộng hòa Séc, sự giám sát của chính người dân là đặc biệt quan trọng để xã hội có thể vận hành một cách tốt đẹp. Vì vậy, ủng hộ cho Hiệp định về tự do thương mại giữa Việt Nam và EU, chúng tôi đồng thời vô cùng hoan nghênh và trân trọng quyết định của Nghị viện châu Âu ngày 15/11/2018 đã đưa vấn đề nhân quyền của Việt Nam làm vấn đề trung tâm và như là cơ sở cho mọi ký kết song phương giữa Việt Nam và EU. Chúng tôi rất lấy làm cảm kích trước các phát biểu của hai Nghị sĩ Séc là bà Michaela Sojdrova và Ngài Stanislav Polcak về việc này trước Nghị viện EU.

Trong bối cảnh Luật An ninh mạng mà Việt Nam đã thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 có chứa các điều khoản đi ngược lại với Điều khoản Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) của Liên minh châu Âu, chúng tôi xin tiếp tục đề nghị các Quý Ngài:

- Yêu cầu Việt nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga và tất cả các tù nhân tôn giáo. Đây chính là một trong các phương cách mà qua đó chính phủ Việt Nam có thể thể hiện thiện chí của mình thực thi các công ước quốc tế về Nhân quyền mà Việt nam đã ký kết, trong đó có Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) (Việt Nam đã ký vào năm 1982).

- Yêu cầu Việt nam đảm bảo lợi ích của người lao động, vốn là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Hiệp định EVFTA này bằng cách đưa quyền thành lập công đoàn độc lập trở thành một điều kiện trong Hiệp định. Chúng tôi cho rằng, công đoàn độc lập - một phương tiện để người lao động, người làm nghề thủ công có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, chính là một trong các biện pháp khả thi nhằm giảm thiểu sự bất công và tùy tiện vốn luôn luôn tồn tại trong mọi xã hội, qua đó góp phần tạo dựng và duy trì một môi trường ổn định và là một yếu tố để các hiệp định thương mại có thể bền vững.

Cuối cùng, chúng tôi xin cám ơn Quý Ngài và các Nghị sĩ Cộng hòa Séc tiếp tục là đại diện thực sự cho các giá trị mà đã khiến Cộng hòa Séc trở thành một thành viên đích thực của Liên minh châu Âu.

Nhóm Văn Lang Email: vanlang@vanlang.eu
Website: http://www.vanlang.eu/